Bạn đang sử dụng máy tính laptop hoặc PC và tự nhiên thấy máy tính gầm rú, quạt gió thổi mạnh hơn và ồn ào. Trong phần này chúng ta sẽ cùng đi giải quyết vấn đề máy tính đang sử dụng tác vụ nhẹ mà sao tự nhiên máy tính lại kêu to.
Vấn đề này xảy ra trên cả máy tính laptop lẫn PC vì vậy cách giải quyết cũng rất giống nhau. Khi gặp tình trạng này việc cần làm của bạn là phải bật Task Manager lên. Đây là nơi cho phép bạn quản lí các chương trình và dịch vụ đang chạy. Chắc chắn máy tính của bạn phải có chương trình nào đó đang chạy rất nặng ngốn tài nguyên thì quạt gió mới gầm rú to. Thông qua Task Manager ở tab Processes bạn sẽ thấy danh sách các chương trình đang chạy và thống kê chương trình đó đang ngốn bao nhiêu phần trăm CPU, Memory RAM, Disk, ...
Phần nào đang ngốn nhiều phàn trăm sẽ được báo màu đậm hơn, thậm chí là màu đỏ. Thường mỗi khi quạt gió rú thì thường là có phần mềm nào đó đang ngốn tài nguyên CPU khiến nó phải chạy hết công suất. Máy tính để bàn PC sẽ ít gặp trường hợp này hơn bởi vì tản nhiệt của máy tính bàn tốt hơn laptop rất nhiều.
Khi phát hiện ra chương trình ngốn nhiều tài nguyên bạn chủ động tìm cách tắt nó đi. Nếu không biết cách tắt thì có thể nhấn chuột phải vào Chương trình đó trong Task Manager và chọn End Task để ép buộc tắt nó đi. Một số máy tính thì có chương trình tên là Antimalware Service Executable gây ngốn tài nguyên. Nó là chương trình diệt virus Windows Defender của Windows đang chạy. Nếu máy tính bạn không sợ bị nhiễm virus khi copy USB, tải file trên mạng thì có thể tắt Windows Defender đi.
Một số máy thì lại chạy nặng do Windows Update hoặc đang cài đặt bản update ngầm. Nếu máy tính của bạn cần sự bảo mật cực cao như tổng thống Mỹ thì hãy bật update, còn thì mình mặc định là tắt Windows Update ngay sau khi cài win thành công rồi nên máy lúc nào cũng mượt mà trơn tru lắm. Lâu không cập nhật windows cũng chả sao cả, mình là 1 người chuyên dùng bản windows cũ vì tắt windows update, khi thích thì cài lại windows mới nhất và tắt update ngay.
CPU khi chạy sẽ tiêu hao điện và sinh ra nhiệt. Lượng nhiệt này được truyền vào keo tản nhiệt, keo tản nhiệt lại truyền ra các thanh sắt tản nhiệt để quạt gió thổi đi cho mát. Khi keo tản nhiệt bị khô thì khả năng vận chuyển nhiệt sẽ kém và khiến máy tính bị nóng. Ngoài ra quạt của bạn có quá nhiều bụi bẩn, PC của bạn lắp quá ít quạt gió cũng có thể là nguyên nhân gây nóng. Với những con CPU tỏa nhiều nhiệt như Core I7, I9 thì bạn cần phải bỏ tiền ra mua tản nhiệt đủ sức làm mát cho nó nếu không I9 của bạn sẽ chỉ chạy được sức mạnh như i5 mà thôi.
Công việc cần làm lúc này là phải đo nhiệt độ của máy tính xem các linh kiện CPU, mainboard, card rời đang là bao nhiêu độ khi quạt gầm rú. Nếu nhiệt độ qua 90 độ sẽ được coi là nóng và phải cần cải thiện ngay. Hãy vệ sinh bộ tản nhiệt và quạt gió. Làm sao để máy tính có thể mát mẻ. Khi đã biết nguyên nhân ở đâu thì bạn hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề. Các phần mềm đo nhiệt độ có thể đo được hết các lõi của CPU và từng phần của mạch điện đang là bao nhiêu độ thông qua các cảm biến có sẵn.
Mình đã từng gặp phải lỗi nhiệt độ cao khi sử dụng mainboard rẻ tiền để chạy Core I9 khiến nó bị nóng mainboard 100 độ. CPU I9 thì không chạy được xung nhịp cao như nhà sản xuất đề cập. Sau khi thay mainboard đắt tiền thì mọi chuyện được giải quyết.